AURORA – một cái tên vô cùng xinh đẹp, nghe như tên của một vị thần trong thần thoại La Mã đúng không ạ? Vâng, chính xác là vậy đấy! Aurora là tên của Nữ thần Rạng đông xinh đẹp. Cô có nhiệm vụ làm mới mình mỗi sáng và bay ngang qua bầu trời để loang báo sự xuất hiện của Mặt trời.
Aurora còn có tên khoa học là Cực quang - là một Hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự phô diễn đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm. Các dãy sáng này liên tục chuyển động và thay đổi khiến cho chúng trông giống như những tấm dải lụa đầy màu sắc đang nhảy múa trên bầu trời vậy. Cực kỳ vi diệu đúng không nào? Nó được sinh ra là nhờ vào sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Cực quang mạnh nhất sẽ diễn ra sau sự phun trào hàng loạt của Mặt trời.
Không chỉ xuất hiện ở mỗi Trái đất nơi con người chúng ta đang sinh sống, Cực quang còn diễn ra ở rất nhiều hành tinh khác. Đó là Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Như đã nói, Cực quang được sinh ra do sự tương tác của các hạt trong Gió Mặt trời cộng tác với từ trường của hành tinh, vì thế mà Cực quang nhìn rõ nét nhất ở vĩ độ cao gần các cực từ. Tuy vậy, tại Sao Hoả và Sao Kim, Cực quang vẫn diễn ra mà dường như không cần có từ trường.
Nếu muốn nhìn thấy Cực quang trong trạng thái rõ nét nhất thì bắt buộc bạn phải đi tới những nơi nằm gần 2 vùng cực (cực Bắc và cực Nam) của Trái đất. Càng gần 2 vùng cực của Trái đất thì bạn càng quan sát được Cực quang.
Thời điểm có xác suất xuất hiện Cực quang cao nhất là bắt đầu từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 4 năm sau. Trong đó, đỉnh điểm là tháng 10, 11 và tháng 2. Nhưng có một sự thật mà ai cũng biết là khí hậu ở 2 cực này vô cùng khắc nghiệt, thậm chí còn có nơi không có người sống nữa.
Cực quang ở Bắc bán cầu có tên tiếng Anh là Aurora Borealis hay còn gọi là Ánh sáng phương Bắc. Bắc cực quang được nhiều người biết đến là nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi hơn rất nhiều so với Nam cực quang ở bán cầu Nam.
Tại Bắc bán cầu, điểm chiêm ngưỡng Cực quang được du khách yêu thích nhất nằm ở các quốc gia Bắc Âu như là Bắc Na Uy, Bắc Thụy Điển, Phần Lan, Greenland, Bắc Siberia, Alaska (Hoa Kỳ), Bắc Canada và Iceland.
Cực quang ở phương Bắc vào mùa đông bắt đầu xuất hiện ở khoảng thời gian từ 8h tối cho tới 2h sáng hôm sau. Nó phải diễn ra với điều kiện là trời quang mây tạnh, trăng không tròn, nhiệt độ cực lạnh và không bị ô nhiễm ánh sáng.
Các dải màu chủ yếu của Ánh sáng phương Bắc là trắng, xanh lục, xanh lam, cho tới hồng rồi tím và di chuyển qua lại liên tục với cường độ là từ thấp đến cao. Một điều hơi bị ngạc nhiên nữa ở đây là khi Cực quang xuất hiện, những âm thanh lạ cũng bắt đầu xuất hiện. Đó là các tiếng nổ tanh tách hay tiếng kêu rền rền là có thật. Có một khả năng là các sóng điện từ được biến đổi thành sóng âm nhưng muốn nghe được những âm thanh này phải rời xa các chỗ ồn ào hay có chiếu sáng, ở những nơi lạnh giá và không có gió của đêm đông. Bạn có biết không? Nó là Vũ điệu của phương Bắc đó! Nghe rất chi là phấn khích phải không nào? Kết chỉ muốn bay ngay đến để chiêm ngưỡng luôn thôi!
Cùng xem video về hiện tượng cực quang siêu lung linh ở một số quốc gia Vùng bắc cực như Na Uy, Iceland; Gần nam cực có New Zealand
Nam Cực là một nơi vốn không có nhiều đất liền, phần lớn là đại dương bao la và quanh năm bị bao phủ bởi băng tuyết trắng xóa nên đây không phải là nơi lý tưởng để nhìn ngắm Cực quang. Tuy điều kiện là khắc nghiệt như vậy nhưng không phải là không thể thưởng thức được Cực quang ở khu vực Nam Bán Cầu. Đó là một số ít các thành phố ở cực Nam của các quốc gia như Úc, Newzealand, Chile, Nam Phi... thì ta mới có thể quan sát được hiện tượng tự nhiên này.
Cũng như Bắc cực quang, Nam cực quang cũng tỏa sáng rực rỡ trên nền trời về đêm. Nam cực quang có tên tiếng Anh là Aurora Australis hay còn gọi là Ánh sáng phương Nam. Tương tự như Ánh sáng phương Bắc, Ánh sáng phương Nam cũng xinh đẹp và lộng lẫy không kém. Cam, vàng, tím hay xanh lam là những màu sắc pha trộn cùng với xanh lục và đỏ là hai gam màu chủ đạo để tạo thành một “miếng ruy băng đầy màu sắc sặc sỡ” trên bầu trời.
Giờ thì các bạn đã biết Cực quang là gì rồi! Nếu có điều kiện hãy thử chu du đến những vùng đất có Cực quang xuất hiện để chiêm ngưỡng nó một lần nhé! Tin tớ đi! Đây thực sự là một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời bạn đấy!
Kết Kết