Khi nhắc đến Sông Hàn, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến nhớ đến cái thời xưa cũ. Sông Hàn là dòng sông gắn liền với biết bao nhiêu là kỷ niệm của lớp lớp người Đà Nẵng, kỉ niệm của những ngày cực khổ kiếm sống bên bờ sông Hàn, kỉ niệm của bao nhiêu thời kì dựng xây và thay đổi. Và cũng là chứng nhân về những đổi thay của thành phố năng động, trẻ trung, và đang từng ngày phát triển.
- Vị trí địa lý
Sông Hàn hay còn được gọi là Hàn giang, là một nhánh sông lớn từ thượng nguồn chảy xuống đổ ra biển. Sông bắt nguồn từ ngã ba sông nằm giữa quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và quận Hải Châu tới vịnh Đà Nẵng, vịnh giáp ranh giữa hai quận Hải Châu và Sơn Trà. Dòng sông này chảy theo hướng Nam Bắc và đổ ra biển lớn. Hàn Giang có chiều rộng khoảng từ 900-1200 m, chiều dài khoảng 7,2 km, và có độ sâu trung bình từ 4-5 m.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
- Dòng sông Hàn chính là niềm tự hào của người dân Đà thành
Vào sáng sớm, sông Hàn dịu dàng làm sao, hệt như người thiếu nữ bừng tỉnh thức giấc trong làn sương trắng mờ ảo và ánh mặt trời chiếu rọi. Buổi trưa, dòng sông rực rỡ, khỏe khoắn, hòa cùng nhịp đập sôi động của thành phố. Xế chiều, con sông khoác lên mình áo choàng tím của bầu trời hoàng hôn, trở nên buồn hơn, trầm mặc hơn. Buổi tối là thời gian rực rỡ, lộng lẫy và đẹp nhất. Những ánh đèn từ đường phố, các biển quảng cáo và những tòa nhà bên sông chiếu soi những sắc màu sặc sỡ xuống mặt nước, làm con sông trở nên lung linh, lộng lẫy đến lạ thường.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Thích nhất là lúc sáng sớm và lúc chiều tà hay đêm đến, đi dọc đường Bạch Đằng là tuyệt vời nhất, tản bộ, tập thể dục, vi vu một mình để cảm nhận những làn gió mát rượi phả vào người như người mẹ dịu hiền đang mân mê làn tóc, thử ghé vào một quán nước ven đường húp một ly cà phê quyện cả vị ngọt đắng và ngắm dòng sông Hàn cùng dòng người qua lại, khiến cho tâm hồn trở nên bình yên, nhẹ nhàng. Hãy ghé thăm nơi đây để một lần được nhìn thấy vẻ đẹp của con sông thơ mộng ấy, để nghe những câu chuyện về lịch sử hào hùng, cũng để in dấu những bước chân mình lên những cây cầu nổi tiếng và độc đáo, và sau đó phải thốt lên rằng: Có một dòng sông sao mà đẹp đến thế!
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
- Nói suông cái cảm nhận không thì không có gì đặc sắc, mọi người lại đặt câu hỏi tại sao Sông Hàn lại làm bao người xao xuyến, lại được ghi vào vào lịch sử, bao người Đà Nẵng đều tự hào và trân quý?
Sông Hàn là chứng nhân lịch sử
Người ta bảo rằng, con sông chảy qua sẽ không bao giờ trở lại, nhưng dòng sông này vẫn ẩn chứa trong đó bao trầm tích lịch sử hào hùng.
Sông Hàn bắt nguồn từ chuyện ngày xưa, khi lũ giặc hung ác vượt đường biển, men theo dòng sông để chiếm đóng thành phố, thế hệ cha ông Đà Nẵng đã khóa cửa sông bằng xích sắt để ngăn không cho tàu giặc tiến sâu vào bờ cõi.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Nằm sâu dưới đáy sông là những câu chuyện về lịch sử, về một vùng đất từng hết mình đấu tranh, về những người đã ngã xuống trong cuộc chinh chiến bảo vệ non sông, mà bao nhiêu lớp sóng sông Hàn cũng không thể khỏa lấp. Và mỗi lần quân giặc lăm le chiếm đóng bờ cõi, dòng sông Hàn lại cuộn trào dâng sóng, cuốn phăng bao lớp quân xâm lược, rồi lại trở về êm dịu, thanh bình như thuở ban đầu. Phải chăng, con sông này là nhân chứng cho những gì bất khuất, thiêng liêng?
Sông Hàn xưa và nay
Sông Hàn Thời xưa nhuốm màu xưa cũ: Ven hai bờ sông Hàn, ngày chưa lâu lắm là lãnh địa của ngư dân Cồn Bồi, Cồn Tra, Cồn Án, Cồn Hè - Nại Nam, Cồn Khoai..., vùng đất một thời xanh màu rau muống, nguồn thu nhập phụ cho nhiều gia đình nghèo, là bãi cỏ um tùm, bờ tre, nhà chồ nép bên bờ sông, lưa thưa nhà tường xây, mái lợp tôn. Thời đánh Mỹ, đó cũng là nơi các chiến sĩ trinh sát giải phóng đêm đêm lặn hụp giấu mình.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Từ chân cầu Sông Hàn - nơi từng là bến phà, theo mé sông lên xóm Cát, xóm Đồng, nơi có khu căn cứ mang mật danh K20 - còn gọi là căn cứ lõm của quận Ba, bao gồm các làng: Đa Phước, Nước Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa. Sau này, sáp nhập lại thành hai phường Đa Mặn và Mỹ Đa. Là một làng dân cư, nhiều gia đình là cơ sở cách mạng, nhiều bà con làm hầm bí mật ngay trong nhà, hầm xung quanh vườn dưới bóng cây xanh. Từ xóm Cát, hễ có động, thì bơi qua sông, băng ruộng về Cồn Dầu- Trung Lương - Lỗ Giáng… Là đất ruộng đồng cùng nhà dân lam lũ bao đời phải sống chung với lụt lội, làm ăn thất bát, đói no chẳng sờn, nhiều người qua Đò Xu, đi Đà Nẵng làm công nhân và làm cơ sở của cách mạng.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Ngày xưa, ven bờ đông sông Hàn quần tụ nhiều vạn ghe. Từ khi xuất hiện mấy cái trạm gác của trung đội lính Mỹ gác ở hai đầu cầu De Lattre thì chúng đuổi không cho thuyền bè đậu lại về đêm dọc ven sông. Cơ sở cách mạng vùng ven sông Hàn có từ thời chống Pháp. Thời chống Diệm, rồi chống Mỹ, ác liệt hơn, nhưng cơ sở cách mạng phát triển nhiều. Ở đâu có thuyền là có cơ sở cách mạng. Cơ sở nứt nhánh mọc cành từ quận Ba, các quận nội thành, ra ngoại thành, lên tận Cồn Dầu, Cẩm Chánh - Lỗ Sài, Trung Lương, Cẩm Lệ, Bà Đa, Nước Mặn, theo sông Hàn hướng ra biển Thuận Phước, Thanh Bình, lên Nam Ô, Thủy Tú, Trường Định… Và, lên dốc Ô Rây, lên Bà Nà, núi Chúa... - con đường các chàng trai, cô gái Đà Thành lên gặp cách mạng…
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Ngày xưa, bên kia Tòa Thị chính, người ta gọi Hà Thân. Thời đánh thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, có một tổ chức cách mạng nổi tiếng mang tên Sông Đà. Một bên là bờ sông, cạnh bên là cồn cát, trên cồn cát cây mọc lưa thưa gọi là cồn Khoai. Có lẽ bà con trồng nhiều khoai trên cồn, nên gọi là cồn Khoai. Dân chài thường đem ghe lên cồn quét dầu rái, phơi nắng, lưới cũng giăng phơi trên cồn. (Nguồn: Báo điện tử Đà Nẵng)
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Sông Hàn thời nay:
Đến nay, Sông Hàn vẫn sừng sững như thế nhưng lại khoác lên mình màu sắc hiện đại hơn, tươi trẻ hơn, năng động hơn.
Bình minh trên sông Hàn khi đường sá vẫn chưa tấp nập xe cộ qua lại, chỉ có người dân cùng nhau đi bộ tập thể dục hai bên bờ sông, tất cả vẫn còn đang bị sương đêm giăng kín nhưng cũng dần tan biến khi ánh mặt trời ngày mới chiếu rọi. Khi này ánh sáng trên sông vẫn chưa thực sự rõ nét chỉ như một dải lụa được pha màu trắng của hơi sương. Sông cứ bình thản trôi ra biển cả, từng cơn gió mát thổi vào như vẫn chưa muốn đánh thức thành phố ra khỏi giấc ngủ ngon.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Vào buổi trưa du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi cảnh vật nơi đây dường như được lột xác hoàn toàn, không còn thứ ánh sáng trắng mờ sương nữa mà thay vào đó là những tia nắng vàng của ánh mặt trời chiếu rọi lên mặt sông. Từng tia nắng như đang nhảy nhót nhịp nhàng theo giai điệu cuộc sống để cùng hòa vào nhịp sống đang dần tấp nập, hối hả. Thời điểm giữa trưa khiến mặt sông lại như chiếc gương thần khổng lồ khiến ai nhìn xuống đều bị lóa mắt, thứ ánh sáng ấy khiến mặt sông lấp lánh ánh bạc nên thơ.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Khi chiều về, ánh nắng mặt trời đã bớt gay gắt từng tia nắng đó bắt đầu trốn chạy sau đám mây và khuất dần sau rạng núi ở phía xa nơi cuối chân trời. Mặt sông là hình ảnh của ráng chiều đỏ rực một màu cam sẫm, sông bắt đầu rơi vào trạng thái trầm lặng, không còn nét khỏe khoắn của buổi ban trưa.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Màn đêm bắt đầu buông xuống một màu đen huyền bí, nhưng nó lại thêm phần lung linh khi ánh đèn điện bắt đầu được thắp sáng. Mảng màu sáng tối hòa quyện càng tôn thêm nét bí ẩn. Mặt sông đã bắt đầu khoác lên cho mình bộ váy dạ hội nổi bật nhiều màu sắc là một trong những các cảnh đẹp ở đà nẵng, không còn bộ váy rực rỡ nắng vàng và bộ váy trắng tinh khiết của buổi sớm. Một ngày thưởng thức sự thay đổi biến hóa thứ ánh sáng trên sông Hàn khiến bất cứ ai đều ngơ ngẩn. Đúng vậy, thành phố Đà Nẵng về đêm đẹp hơn khi có dòng sông Hàn tô điểm thêm cho bức tranh thêm phần phong phú, đa dạng. (Vn.trip)
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Những dịp bắn pháo hoa dòng sông Hàn cũng trở nên sôi động như đang nhún nhảy theo từng điệu nhạc, vui mừng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố trẻ đáng sống" của người dân Đà Nẵng.
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)
(Nguồn ảnh: Sưu tầm)