1. Mặt trăng được hình thành như thế nào?
Hàng tỷ năm về trước, hành tinh Theia - một vật thể được cho là hành tinh cỡ sao Hỏa đã va vào Trái đất. Vụ va chạm chỉ là sượt qua thôi nhưng cũng đủ để phá hủy Theia, và lõi sắt của hành tinh này đã bị chôn vùi trong Trái đất nguyên thủy. Mặt trăng được hình thành từ một trong những mảnh vỡ của vụ va chạm đó. Một vùng đất nhỏ bị văng ra khỏi bề mặt Trái đất và theo thời gian dần hình thành nên Mặt trăng như hiện tại.
(Vụ va chạm giữa hành tinh Theia và Trái đất sơ khai tạo thành Mặt trăng như ngày nay).
2. Nhưng điều bất ngờ là chúng ta chỉ có thể nhìn thấy được một mặt của Mặt trăng mà thôi!
Dù là bất cứ thời điểm nào đi chăng nữa, cũng sẽ chỉ có một mặt của Mặt trăng luôn hướng về phía Trái đất, còn mặt kia thì không. Cho nên nó được gọi là mặt tối của Mặt trăng. Mặt tối ở đây thật ra không phải vì mặt này của Mặt trăng không nhận được ánh sáng, nó vẫn nhận được đầy đủ ánh sáng từ Mặt trời nhưng nguyên nhân chính là do tốc độ tự quay quanh trục của Mặt trăng trùng khớp với tốc độ quay quanh Trái đất của nó nên cho dù Mặt trăng có di chuyển đến vị trí nào đi chăng nữa thì cũng chỉ có một mặt của nó hướng về Trái đất mà thôi!
(Luôn luôn sẽ chỉ có một mặt của Mặt trăng hướng về phía Trái đất. Mặt hướng về phía Trái đất ta gọi là mặt gần và mặt không hướng về phía Trái đất ta gọi là mặt xa)
3. Tốc độ quay ban đầu của Mặt trăng không phải như hiện tại.
Mặt trăng ban đầu quay rất nhanh. Nhưng lực hấp dẫn của Trái đất đã làm giảm đi tốc độ và khiến Mặt trăng quay chậm lại. Bởi khoảng cách trung bình giữa Mặt trăng và Trái đất cách nhau không xa, chỉ là 384.403 km nên lực hấp dẫn của Trái đất dễ dàng điều khiển Mặt trăng theo ý muốn của mình. Nó làm biến dạng Mặt trăng, khiến cho Mặt trăng xuất hiện một cái bướu hướng về phía Trái đất được gọi là bướu thủy triều. Lúc đó, Mặt trăng còn đang quay rất nhanh, cái bướu luôn bị lệch ra khỏi đường nối giữa Mặt trăng với Trái đất. Nhưng cứ mỗi lần bị lệch như vậy, lực hấp dẫn Trái đất lại kéo nó trở về. Việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi tốc độ quay của Mặt trăng xoay quanh Trái đất giảm xuống đến mức cân bằng với tốc độ tự quay quanh trục của nó một cách hoàn hảo (27,3 ngày). Đến lúc này, bướu thủy triều đã nằm ngay ngắn trên đường nối giữa hai thiên thể và nó luôn luôn hướng về phía Trái đất. Đó cũng chính là bề mặt mà chúng ta nhìn thấy mỗi đêm.
(Lực hấp dẫn giữa Trái đất và Mặt trăng tác động lên nhau khiến cho hình dạng bề mặt phía đối diện giữa hai thiên thể bị biến dạng tạo thành bướu thủy triều hướng về phía thiên thể còn lại).
4. Tại sao Mặt trăng lại là vệ tinh của Trái đất nhỉ?
Lực hấp dẫn của Mặt trăng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều trên Trái đất. Tương tự như vậy, Trái đất cũng tác dụng lên Mặt trăng một lực hấp dẫn với sức mạnh lớn hơn rất nhiều (gấp 81.000 lần). Vì thế, khi Mặt trăng cố gắng di chuyển theo đường thẳng thì Trái đất lại không cho phép điều này. Nó lập tức dùng lực hấp dẫn và kéo Mặt trăng về phía mình. Vậy là Mặt trăng “bị bắt buộc” trở thành vệ tinh của nó rồi!
5. Những “hố bom” trên Mặt trăng.
Hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa mà ban đêm bạn nhìn thấy nó đơn giản chỉ là sự tưởng tượng và thực chất nó là những vết lõm màu đen từ những vụ phun trào núi lửa cổ đại. Vết lõm màu đen to nhất trên Mặt trăng mà bạn có thể nhìn thấy được bằng mắt thường mỗi đêm, ấy chính là Đại dương bão được tạo ra từ một vụ va chạm cấp độ cao với sự tấn công của một số lượng lớn các thiên thạch đã va vào bề mặt Mặt trăng khiến cho một khối lượng dung nham khổng lồ chảy ra và rồi tạo ra một vùng biển magma rộng tới 3000 km.
( Hình ảnh chú Cuội ngồi gốc cây đa mà ta nhìn thấy mỗi đêm đó chính là Đại dương bão )
6. Các giai đoạn của Mặt trăng.
Các pha của Mặt trăng mà ta nhìn thấy được từ Trái đất phụ thuộc vào góc của Mặt trăng và Mặt trời trên bầu trời. Và có một điều thú vị là : Nếu bạn đang sống trên Mặt trăng thì các góc đó sẽ bị đảo ngược lại 180 độ đó!
Vào thời điểm trăng non, Mặt trăng sẽ nằm giữa Mặt trời và Trái đất. Lúc này, Trái đất sẽ nằm đối diện với Mặt trời nếu nhìn từ Mặt trăng. Đây gọi là giai đoạn Trái đất đầy đủ (Full Earth). Tương tự như vậy, tất cả các giai đoạn còn lại cũng đều đối lập nhau. Vì vậy, nếu chúng ta nhìn thấy Trăng tròn (Full Moon), thì người trên Mặt trăng sẽ nhìn thấy Trái đất mới (New Earth).
(Nếu bạn quan sát Trái đất từ Mặt trăng, các góc sẽ ngược lại 180 độ)
7. Mặt trăng có mọc vào ban ngày không?
Chính xác là có nhé! Bonus thêm cho bạn một điều thú vị nữa là : Vào những ngày cuối tháng cũng chính là giai đoạn chu kỳ trăng mới được bắt đầu. Lúc này cũng là lúc Mặt trăng cách xa Trái đất nhất và ở gần Mặt trời nhất. Mặt trăng sẽ nằm giữa Trái đất và Mặt trời, và từ vị trí của chúng ta, chúng ta chỉ nhìn thấy được nửa tối của Mặt trăng (có nghĩa là nửa không được Mặt trời chiếu sáng). Ở thời điểm này chúng ta không thể nhìn thấy được nửa còn lại (nửa được Mặt trời chiếu sáng).
Vì Mặt trăng ở rất gần Mặt trời, nó di chuyển cùng với Mặt trời trên bầu trời, nó cũng mọc khi Mặt trời mọc và lặn khi Mặt trời lặn. Điều này đồng nghĩa với việc Mặt trăng ngay trên đỉnh đầu của chúng ta vào ban ngày nhưng chúng ta không thể nhìn thấy nó. Một phần vì trong thời điểm này, nửa không được Mặt trời chiếu sáng thì lại hướng về phía Trái đất (bạn hãy hình dung lúc này nó chỉ là một chiếc Mặt trăng đen ngay trên đầu của chúng ta mà bạn không thể nhìn thấy, vì lúc này bề mặt luôn hướng về phía Trái đất của Mặt trăng cũng chính là ban đêm) và một lý do nữa vì nó đang ngồi cạnh thiên thể sáng nhất trên bầu trời đó chính là Mặt trời.
8. Vậy còn Mặt trăng có đi theo chúng ta không?
Chắc chắn là không rồi! Vì Mặt trăng ở quá xa so với tầm mắt. Nên khi vừa đi, vừa nhìn theo, ta sẽ luôn có cảm giác Mặt trăng đi theo mình. Chỉ vậy thôi.
9. Động đất trên Mặt trăng.
Mới nghe thì có vẻ hơi lạ nhưng sự thật là trên Mặt trăng hay bất kỳ một hành tinh nào khác cũng có động đất đấy! (ví như trên sao Hỏa cũng vậy). Các nhà khoa học đã đặt các máy đo địa chấn trên đó và kết quả thu thập được rằng đã có rất nhiều những trận động trăng hay còn gọi là moonquakes thường xuyên xảy ra. Mặt trăng rung chuyển rất nhiều và cứ mỗi lần như vậy nó sẽ kéo dài tới 10 phút chứ không như trên Trái đất, mỗi lần kéo dài trung bình khoảng 30 giây.
Động trăng ít khi xảy ra trên bề mặt Mặt trăng mà nó thường xuyên xảy ra ở sâu bên trong do lõi của Mặt trăng đang gặp vấn đề.
Mặt trăng đang dần mất đi sức nóng của mình. Nhiệt độ trong lòng Mặt trăng đang ngày càng lạnh đi rõ rệt. Điều này đã làm cho lớp vỏ của Mặt trăng dần dần co lại tới 45m trong vài triệu năm trở lại đây.
(Cấu tạo của Mặt Trăng cũng tương tự như Trái đất. Tưy nhiên bề mặt Mặt trăng không được bằng phẳng như trên Trái đất. Nó đầy rẫy các hố va chạm cùng những vùng biển magma và các cao nguyên lởm chởm - nhất là phía mặt xa của Mặt trăng - mặt mà chúng ta không thể nhìn thấy).
>> Xem thêm : GIẢI ĐÁP 1001 THẮC MẮC VỀ MẶT TRĂNG ( PHẦN 2 )