NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA TẾT NGUYÊN TIÊU VÀ NHỮNG ĐIỀU MÀ KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT.
Theo quan niệm của ông bà xưa, Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày tết trọng đại của người Việt sau khi Tết Nguyên đán kết thúc. Là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, một ngày mà mang ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh, thế nên có rất nhiều gia đình lên chùa cúng dâng sao giải hạn, với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Vậy Tết Nguyên Tiêu có ý nghĩa thế nào trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nha!
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Sưu tầm)
1. NGUỒN GỐC TẾT NGUYÊN TIÊU
Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ đâu? Tết Nguyên Tiêu là gì? Nhiều người còn đang thắc mắc. Hãy để Cùng Tôi Khám Phá giải đáp thắc mắc cho bạn.
Tết Nguyên Tiêu là một lễ hội truyền thống của Trung Quốc và là Tết Thượng Nguyên ở Việt Nam. Tết Nguyên Tiêu hay nhiều ngày Tết khác đều có sự ảnh hưởng từ các tích truyện của Trung Quốc, chỉ có điều sẽ có sự thay đổi ít nhiều trong phong tục của mỗi nền văn hóa ở mỗi nước mà thôi.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Có rất nhiều câu chuyện xung quanh nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu, hư có mà thực cũng có. Câu chuyện được truyền tai nhiều nhất liên quan đến một con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới và bị một người thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng nghe tin nổi giận sai một đội quân xuống phóng hỏa để thiêu rụi mọi thứ ở trần gian vào ngày Rằm tháng Giêng. May mắn thay trong số các quan thiên triều có một người không đồng tình với Ngọc Hoàng, vị quan đã xuống hạ giới để chỉ cách cho con người thoát khỏi đại họa. Người dưới hạ giới bèn làm theo cách chỉ dạy của vị quan thiên triều, vào đúng ngày Rằm tháng Giêng, ở trước cửa nhà nào nhà nấy cũng đều treo những chiếc đèn lồng màu đỏ làm cho Ngọc Hoàng cứ nghĩ lệnh phóng hỏa đã được thi hành. Nhờ đó người trần gian thoát khỏi đại nạn. Từ đó, ở Trung Quốc cứ đến ngày này là nhà nhà đều treo đèn lồng trước cửa như để tưởng nhớ đến vị thần tiên trên thiên đình.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Về sau, Tết Nguyên Tiêu đã lưu truyền rộng rãi và dần “gia nhập” vào Việt Nam. Do nước ta có sự du nhập từ Phật giáo nên Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam cũng từ đó mà có sự khác biệt. Từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc Trung Quốc, nay đã biến đổi thành ngày Tết mang đậm màu sắc riêng của người Việt, thấm nhuần Phật pháp.
2. Ý NGHĨA TẾT NGUYÊN TIÊU
Tết Nguyên Tiêu là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất và “Tiêu” là đêm. Sở dĩ Tết Nguyên Tiêu còn có tên gọi khác là Tết Thượng Nguyên là bởi sau Tết Thượng Nguyên còn có Tết Trung Nguyên (Rằm tháng 7) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng 10). Tết Nguyên Tiêu là ngày tết rất quan trọng bởi thế ông bà ta mới có câu: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” và “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Đến ngày này, tùy vào phong tục tập quán ở mỗi vùng miền và điều kiện kinh tế của từng nhà mà trong mâm cúng sẽ có sự khác nhau nhưng trên hết tất cả đều để thể hiện lòng thành kính đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên cầu mong một năm an lành, mạnh khỏe và nhiều tài lộc.
Ngoài mâm cúng gia tiên còn có một mâm cúng ngoài sân để cảm tạ Trời Đất, Thần Thánh cùng các vị anh hùng liệt sĩ. Không cần lễ lạt cao sang gì nhiều, nếu là gia đình có phần hạn hẹp về kinh tế chỉ cần pha một ấm trà với vài tách rượu nhạt, hoa quả cây nhà lá vườn rồi thắp vài nén nhan với lòng thành kính là đủ.
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Sưu tầm)
Vừa rồi là một chút chia sẻ về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Tiêu. Hy vọng qua bài viết này Cùng Tôi Khám Phá đã giúp bạn hiểu hơn về những điều trong ngày Tết. Chúc mọi người có một mùa Tết an khang và tràn đầy hạnh phúc.
Kết Kết