Đà Nẵng là thành phố nổi tiếng với những cây cầu, nổi tiếng với dòng sông Hàn. Chắc dòng sông Hàn thì hầu như ai cũng biết đó là dòng sông biểu tượng của Đà Nẵng; hầu như ai cũng biết đến những cây cầu ở Đà Nẵng như cầu Sông Hàn, Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý,... (3 cây cầu nổi tiếng Đà Nẵng) nhưng đố các bạn biết:
Nhiều bạn biết rồi nhưng chắc hẳn nhiều bạn vẫn chưa tự tin mà khẳng định khi có du khách nước ngoài hay khách tỉnh hỏi về câu hỏi này.
Vậy thì Lem xin đưa ra câu trả lời dựa trên quá trình tích lũy và tìm hiểu của bản thân:
Khi có ai hỏi, "Mày có biết có bao nhiêu cây cầu bắc qua dòng sông Hàn không? kể tao nghe đi"... Vậy hãy mạnh dạn mà trả lời là có 6 CÂY CẦU BẮC QUA DÒNG SÔNG HÀN, không những kể thôi, hãy tự tin nói sơ lược về chúng khi bạn đã đọc bài viết này nè.
Hiện có đến 6 cây cầu nối đôi bờ đông - tây của sông Hàn thơ mộng chảy qua TP Đà Nẵng, gồm cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý và cầu Tiên Sơn.
- Cầu Nguyễn Văn Trỗi
Trừ cầu Nguyễn Văn Trỗi có từ trước năm 1975, nay giữ lại như một "chứng nhân" lịch sử và dành cho người đi bộ, những cây cầu khác đều mang dấu ấn của một Đà Nẵng phát triển, hiện đại thời kỳ đổi mới.
(Cây cầu dùng để đi bộ không dùng để chạy xe trên cầu)
(Đây là điểm sống ảo và nhiều cặp tình nhân lui tới)
- Cầu Thuận Phước
Cầu Thuận Phước là cây cầu treo dây võng bắc qua 2 bờ Sông Hàn đổ ra Vịnh Đà Nẵng, nối giữa 2 Quận Hải Châu và Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng.
(Cầu Thuận Phước là cầu treo dây võng, nằm ở cửa vịnh đổ ra biển Đông)
Cầu Thuận Phước được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 1 năm 2003, chiều dài gần 2km, 6 năm sau mới hoàn thành, là một trong những cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam.
(Cầu Thuân Phước có chiều dài gần 2km)
Khi màn đêm buông xuống cầu Thuận Phước lại trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết dưới những ánh đèn màu và dòng sông Hàn thơ mộng, càng làm tôn thêm vẻ đẹp lung linh và quyến rũ của một thành phố trẻ năng động.
(Cầu Thuận Phước lúc mới lên đèn chặp tối)
Nhiều người đã gọi cầu Thuận Phước như dải lụa vắt ngang sông Hàn. Cầu Thuận Phước sừng sững nơi đầu biển - cuối sông lại quyến rũ người dân bởi vẻ đẹp sang trọng, tinh tế.
(Nét đẹp quyến rũ nhưng đầy mạnh mẽ và hoang dại)
- Cầu Sông Hàn
Cầu Sông Hàn thì chả lạ lẫm gì, là cây cầu bắc qua dòng sông Hàn, mang đậm dấu ấn biểu tượng và niềm tự hào của người dân Đà Thành. Cầu sông Hàn là cầu xoay đầu tiên và là cây cầu xoay duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Cầu được khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1998, khánh thành ngày 29 tháng 3 năm 2000. Tổng chiều dài: 488m.
(Lúc chiều tà)
Cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới, là khát vọng đi lên của thành phố được xây dựng bằng sự đóng góp của mọi người dân.
(Hình ảnh về khuya cầu sông Hàn quay 90 độ để tàu thuyền qua)
Cầu sông Hàn có thể quay 90 độ tại trục chính của cầu nên mọi người gọi tên là ‘’cầu quay’’. Đây cũng là cây cầu đầu tiên bắc giữa bờ đông và bờ tây của sông Hàn, nối liền khoảng cách xa xôi giữa hai bờ. Vì thế, nó mang ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn.
(Lúc cầu đang quay)
Ban đầu, cầu sông Hàn được thiết kế với khả năng quay nhằm mục đích lưu thông đường thủy. Thành phố Đà Nẵng có bến cảng và lưu lượng tàu thuyền qua lại trên sông rất lớn chính vì thế mà có nhiều tàu lớn nên nếu xây dựng một cây cầu bình thường sẽ không thể đi được. Vì vậy mà cầu sông Hàn được thiết kế với chức năng quay nhịp cầu ở giữa để mở ra 2 đường thông qua.
(Cầu Sông Hàn luôn khoác lên mình nhiều màu sắc lung linh)
Qua nhiều năm thì giờ quay của cầu sông Hàn đã có sự điều chỉnh thay đổi. (2019)
+ Từ thứ 2 – thứ 6: 0h45 phút toàn bộ hoạt động giao thông trên cầu sẽ bị tạm ngưng. 1h sáng cầu bắt đầu dịch chuyển. Nhịp giữa của cầu sẽ quay 90 độ để lộ ra 2 con đường cho tàu thủy qua lại. Nếu như có ít tàu thuyền thì cầu sẽ quay trở lại vị trí ban đầu vào lúc 2h sáng. Nếu số lượng nhiều thì cầu sẽ quay lại lúc 4h sáng.
+ Riêng thứ 7 – chủ nhật: Hiện nay, nắm bắt được mong muốn chiêm ngưỡng hình ảnh cầu quay của nhiều du khách vì vậy mà chính quyền địa phương đã đẩy giờ quay cầu sớm hơn vào hai ngày cuối tuần. Từ lúc 22h45, toàn bộ các phương tiện đường bộ sẽ bặt buộc ngừng lưu thông qua cầu để khoảng không gian trên cầu dành cho khách du lịch Đà Nẵng. Có rất nhiều người cả du khách lẫn người dân địa phương Đà Nẵng đều trông chờ háo hức để chiêm ngưỡng cảnh tượng này. Hầu hết mọi người đều có chung câu hỏi là: cầu quay như thế nào? Tại sao 1 cây cầu lại có thể quay được… Vào đúng 23h đêm, cây cầu bắt đầu rung chuyển rất từ từ, phần giữa của cây cầu sẽ chia làm hai nửa, quay 1 góc 90 độ sau đó gác lên 2 bệ đỡ tại 2 đầu cầu. Lúc bấy giờ khoảng không giữa sông được mở rộng để đủ chỗ cho tàu lớn qua.Và sau khoảng 60p, cầu sẽ quay trở về vị trí ban đầu để phục vụ giao thông đường bộ.
(Một góc ảnh chân thật về Cầu Sông Hàn)
- Cầu Rồng
Cầu Rồng là cây cầu thứ 6 và là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn. Vì cây cầu có hình dáng giống một con Rồng nên được gọi là Cầu Rồng, chiều dài 666m. Khởi công năm 2009 và khánh thành năm 2013.
(Cầu Rồng vơi đèn led màu vàng rực rỡ)
Cây cầu được xây dựng theo kiểu kiến trúc mang hình dạng một con Rồng thời Lý như vươn mình bay ra biển lớn, một ý tưởng vô cùng ý nghĩa thể hiện khát vọng ngày càng phát triển lớn mạnh của thành phố Đà Nẵng và còn tượng trưng cho nghệ thuật kiến trúc mới của Đà Nẵng.
(Cầu Rồng còn khoác trên mình màu xanh ngọc sang trọng)
Để chiêm ngưỡng cầu Rồng Đà Nẵng phun lửa, phun nước thì du khách hãy đến Đà Nẵng vào hai ngày cuối tuần, thứ 7 hoặc chủ nhật lúc 21h00 sẽ có một sự kiện 18 ngọn lửa và 3 ngọn nước bay ra từ miệng của Rồng. Mỗi lần sẽ phun lửa trước, nước sau. Lửa sẽ được phun 2 lượt, mỗi lượt 9 lần, nước sẽ được phun 3 lượt, mỗi lượt 1 lần hòa vào cùng với những âm thanh nhạc điệu.
(Cầu Rồng phun lửa)
- Cầu Trần Thị Lý
Được khởi công vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2013, Cầu Trần Thị Lý có độ dài hơn 700m nối liền hai bờ sông Hàn. Tên của cây cầu được đặt theo tên nhà hoạt động cách mạng Trần Thị Lý, người có tinh thần bất khuất, không khuất phục trước kẻ thù và sự dũng cảm đáng khâm phục trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
(Cầu Trần Thị Lý là cầu sử dụng hệ thống dây văng 3 chiều)
Với thiết kế mang âm hưởng của phong cách châu Âu, cầu Trần Thị Lý là một nét phá cách độc đáo giữa bức tranh thành phố Đà Nẵng sôi động và nhộn nhịp.
(Cầu Trần Thị Lý nghiêng 12 độ)
Cầu sử dụng hệ thống dây văng 3 chiều với những trụ dây văng nghiêng tạo dáng cầu lạ mắt kết hợp với trụ tháp nghiêng cao đến 145m so với mặt nước biển và tựa như hình tượng cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra biển Đông mang theo khát vọng vươn lên của người dân thành phố Đà Nẵng.
(Cầu Trần Thị Lý ở góc chụp dưới dòng Sông Hàn)
Chính thiết kế vô cùng sáng tạo này đã tạo nên một nét kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và độc đáo “có một không hai” cho cây cầu.
(Góc chụp thần thánh thấy được Cây cầu giữa lòng thành phố)
- Cầu Tiên Sơn
Cầu Tiên Sơn là một trong những cây cầu bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng, nối liền 2 quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn.
Cầu Tiên Sơn ít du khách tham quan và dạo này xe container chạy khá nhiều trên cầu Tiên Sơn nên Lem nghĩ chạy xe ngang thôi còn dừng để chơi thì không có gì chơi
Nguồn ảnh: Sưu tầm