Bạn có thường hay ngắm những đám mây trên bầu trời không? Mình thì rất hay ngắm vì vẻ đẹp của nó. Không chỉ vì mây có nhiều hình thù kỳ lạ mà còn vì màu sắc của nó nữa. Nhất là lúc hoàng hôn, bầu trời lúc đó thật là lộng lẫy bởi nó sẽ xuất hiện đủ các màu sắc. Bài viết này sẽ dành cho những ai thích quan sát bầu trời giống như mình!
Không tập trung phân tích chuyên sâu nhưng bài viết này sẽ mang lại cho các bạn những kiến thức cơ bản về các đám mây để mỗi khi nhìn lên bầu trời, các bạn sẽ biết đám mây này tên của nó là gì ^^ Nào, cùng tớ tìm hiểu nhé!
Theo Bảng đồ mây quốc tế của Tổ chức khí tượng Thế giới thì có hơn 100 loại mây đang tồn tại trên bầu trời. Tuy nhiên phụ thuộc vào hình dạng và chiều cao chung mà các đám mây được gói gọn lại chỉ trong 10 loại mây cơ bản. Đó chính là:
1. MÂY TÍCH (CUMULUS).
Mây tích là những đám mây có hình dạng như những mớ bông gòn. Từ các thành phần, nó được tích tụ thành những đám mây bồng bềnh, xuất hiện vào những ngày nắng đẹp, nên mới có biệt danh là 'những đám mây của thời tiết đẹp' đó ạ. Nó cũng thường bắt đầu có mặt vào buổi trưa rồi mất hút vào buổi tối.
2. MÂY TẦNG (STRATUS CLOUD).
Một ngày nhiều mây, không có Mặt trời và khái niệm 'ngày đầy mây' cũng từ đó mà ra. Sự bốc hơi của sương mù vào buổi sáng sớm khi không khí lạnh di chuyển, mây tầng cũng được tạo ra từ đó. Nó là một lớp mây màu trắng đục, báo hiệu ngày hôm đó sẽ là một ngày mưa! Có thể là mưa lâm thâm, mà cũng có thể là mưa phùn đấy các bạn ạ ^^
3. MÂY TẦNG TÍCH (STRATOCUMULUS).
Đó là các mảng mây thấp, hơi phồng, có màu trắng hoặc xám. Nhưng chen lẫn trong các mảng mây đó, bạn cũng có thể nhìn thấy được màu xanh da trời vì bầu trời không hoàn toàn bị che lấp như khi mây tầng tích xuất hiện. Trông nó giống một chiếc tổ ong vậy đó nên mình thích gọi nó là mây tổ ong.
Mình thường thấy nó sau khi mưa tạnh, cũng có khi lúc mây bị tan vì không mưa nổi hoặc vào những ngày nhiều mây hơn một chút.
4. MÂY TRUNG TÍCH (ALTOCUMULUS).
Mây trung tích rất dễ hay bị nhầm với mây tích và mây tầng tích bởi hình dạng của nó. Có điều nếu bạn quan sát kỹ hơn một chút thì mây trung tích trông giống như một bộ lông cừu và bộ vảy cá thu, bởi vậy nên mỗi khi nó xuất hiện thì người ta mới gọi nó là 'Bầu trời cá thu' đấy!
Có một cách rất dễ phân biệt chúng đó là mây trung tích thường cao hơn mây tầng tích và các gò mây của nó thường đi riêng lẽ và rời rạc. Còn một cách đặc biệt nữa để phân biệt là bạn hãy thử ướm bàn tay của mình lên bầu trời, nếu gò mây gần bằng ngón tay cái thì nó chính là mây trung tích. Mây trung tích thường được phát hiện vào những buổi sáng ẩm ướt.
5. MÂY VŨ TẦNG (NIMBOSTRATUS).
Nimbo, nimbus nghĩa là mưa. Mây vũ tầng là một dạng mây mưa nằm ở độ cao trung bình. Những đám mây vũ tầng sẽ bao phủ cả bầu trời với một màu đen xám xịt. Bạn sẽ được nhìn thấy nó bất cứ khi nào vào những ngày mưa. Nhưng tất nhiên tất cả chúng ta đều sẽ không thích những ngày mưa dầm dề đâu đúng không ạ?!
6. MÂY TRUNG TẦNG (ALTOSTRATUS).
Một ngày với ánh nắng yếu ớt mà không gay gắt chứng tỏ mây trung tầng đã ở đó. Che phủ cả bầu trời với một lớp màng màu xám hoặc xám xanh, thế nhưng bạn vẫn có thể thấy sự hiện diện của Mặt trời phía sau lớp màng kia như một chiếc đĩa mờ. Những ngày như vậy mình hay gọi nó là 'Nắng âm ui', tuy không nắng gắt nhưng vẫn rất khó chịu đấy ạ.
7. MÂY TI (CIRRUS)
Mây ti xuất hiện ở độ cao hơn 6000 mét - một nơi tồn tại hơi nước thấp, vì vậy chúng được hình thành từ các tinh thể nước đá thay vì hình thành từ hơi nước như các loại mây khác. Mây ti là một dải mây mỏng màu trắng tựa như nhúm lông mèo, gần như thường xuyên xuất hiện trên bầu trời khi thời tiết đẹp.
8. MÂY TI TẦNG (CIRROSTRATUS).
Giống như mây ti, mây ti tầng là một dạng mây mỏng, hình thành từ tinh thể nước đá và có khả năng tạo ra ánh hào quang. Mây ti tầng rất dễ phân biệt. Dấu hiệu nhận biết của nó là khi bạn nhìn thấy một vòng tròn hào quang xung quanh Mặt trăng hoặc Mặt trời. Thú thật là khi chưa tìm hiểu về mây thì lúc nhìn lên mình không biết tại sao xung quanh Mặt trăng lại có vòng tròn đó, mình rất thắc mắc và cứ sợ đó là điềm báo về một thời tiết xấu, thế nhưng bây giờ thì mình đã hiểu đó là mây ti tầng rồi kkk...
Vầng hào quang kia hình thành được chính là do sự khúc xạ của ánh sáng Mặt trời qua các tinh thể nước đá trong đám mây. Đúng là việc yêu thích tìm hiểu, khám phá để biết được những thứ mà người khác không biết là một điều tuyệt vời phải không ạ?!
9. MÂY TI TÍCH ( CIRROCUMULUS).
Cũng như mây ti, mây ti tích cũng nằm trên độ cao lớn. Chúng được hình thành từ mây ti hoặc mây ti tầng và vẫn được tạo thành từ tinh thể băng (tức tinh thể nước đá). Những khối mây nhỏ màu trắng, được xếp thành những hàng sóng trải đều trên cả bầu trời, bạn sẽ bắt gặp được nó mỗi khi trời nắng đẹp, nhất là vào sáng sớm hoặc có khi nó cũng được tạo ra từ đường đi của máy bay nữa.
10. MÂY VŨ TÍCH (CUMULONIMBUS).
Và đám mây cuối cùng mình muốn giới thiệu tới các bạn trong 10 loại mây, đó là mây vũ tích. Theo tiếng Latinh, Cumulus có nghĩa là mây đống còn Nimbus có nghĩa là mưa dông. Từ sự bất thường trong khí quyển dẫn đến việc hình thành hơi nước kéo theo các dòng khí mạnh từ dưới lên. Mây vũ tích là một loại mây dông, gây mưa đá, mưa rào.
Khi bạn nhìn lên, nếu mây vũ tích đã hiện hữu trên đầu thì chân mây đã che kín cả bầu trời rồi. Dự báo sẽ là một trận mưa dông cực lớn hoặc dông lốc có thể xảy ra. Bạn cần phải hết sức đề phòng.
Để biết được cơn dông đó mạnh hay yếu, bạn hãy quan sát chân mây. Nếu dưới chân mây có xuất hiện mây vảy rồng (tức mây mamatus - một loại mây có dạng giống như một đám vảy rồng, như việc báo hiệu sắp có thời tiết nguy hiểm xảy ra) thì đó là một cơn dông mạnh, mọi người cần cẩn thận mưa đá, tố lốc. Nếu dưới chân mây mảnh hơn, thì nó là mây mảnh tầng, ít gây ra thời tiết nguy hiểm hơn nhiều.
Vì là một người rất yêu thích việc quan sát bầu trời nên mình muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm nho nhỏ ấy mà ^^ để bạn nào có sở thích ngắm bầu trời như mình thì sẽ có thêm động lực để nghiên cứu nhé! Hẹn gặp mọi người vào bài viết khám phá lần sau!
Còn đây là bức ảnh mình tự chụp khi mình ngắm mây ở nhà nè~
(Đám mây vũ tích vừa mới hình thành nhưng tiếc là không có một trận mưa dông nào để xua tan bớt cái nóng cả).
(Còn đây là những đám mây tích rời rạc đã bị tan ra từ đám mây vũ tích kia).
KẾT KẾT.